Điển hình có anh Phạm Quang Thanh ở thôn 8, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm đã thành công với mô hình trồng cây ớt chuông trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cuối năm 2018, nhận thấy hiệu quả kinh tế của cây ớt chuông cùng với lòng đam mê, yêu nông nghiệp, khát khao làm giàu trên mảnh đất quê nhà, anh Phạm Quang Thanh mạnh dạn nhổ bỏ 1.000m2 diện tích cây cà phê già cỗi, năng suất thấp của gia đình để đầu tư xây dựng nhà kính trồng giống ớt chuông.
Chi phí đầu tư ban đầu cao và chưa có kinh nghiệm cũng như kỹ thuật chăm sóc cho cây ớt chuông nên vụ đầu tiên anh thử sức trồng trên nền đất kết quả đạt ngoài mong đợi. Với thành công đó, đầu năm 2020 anh mạnh dạn mở rộng thêm 1.000m2 nhà kính đầu tư nâng cấp theo hướng ứng dụng công nghệ cao vào quá trình trồng, chăm sóc cây ớt ngay từ ban đầu, cây ớt được trồng trên giá thể đã được xử lý sạch mầm bệnh trước khi trồng cây. Ngoài chi phí đầu tư làm nhà kính anh đầu tư thêm hệ thống tưới nước, châm phân cho cây ớt có kiểm soát của bộ điều khiển trung tâm kết nối với điện thoại thông minh.
Chi phí đầu tư ban đầu cho 1.000m2 trồng ớt chuông khoảng 300 triệu đồng, với mật độ trồng là 4.000 cây trên 2.000 bầu giá thể. Để đảm bảo nguồn giống sạch bệnh, anh Thanh đã đặt mua hạt giống về và tự ươm giống trong khay xốp trước khi trồng 40 ngày có thể đưa trồng vào giá thể. Giống ớt anh trồng là 2 giống ớt Bachata quả màu vàng có xuất xứ từ Pê Ru và giống ớt Massalia màu đỏ xuất xứ Chi Lê, được thị trường ưa chuộng hiện nay. So với chi phí mua cây giống ươm sẵn khoảng 5.000 đồng/cây mỗi loại thì hạt giống anh nhập về chỉ 3.600 đồng/hạt tiết kiệm được 6 triệu đồng cho 1.000m2.
Loại giá thể sử dụng để trồng là xơ dừa đã được xử lý sạch, chi phí bình quân cho một bầu giá thể trồng khoảng 11.000 đồng. Hiện nay, một vườn đã trồng được 70 ngày đang cho quả chín, khi quả ớt chuyển màu chín 2/3 vườn thì tiến hành thu hoạch.
Anh Thanh đang chăm sóc vườn ớt chuông chuẩn bị cho thu hoạch
Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, việc chăm sóc 2.000m2 ớt chuông chỉ cần 2 vợ chồng anh có thể đảm nhiệm được. Cây ớt từ lúc bắt đầu cho thu hoạch có thể cho thu hoạch kéo dài từ 8 - 10 tháng nếu chăm sóc tốt, mỗi lần thu hoạch cách nhau khoảng 05 ngày. Mỗi cây ớt cho sản lượng bình quân khoảng 6 kg/vụ với giá ớt hiện nay là 35.000 đồng/kg anh thu về hơn 400 triệu đồng/1.000m2/vụ, sau khi trừ chi phí gia đình anh vẫn lãi hơn 100 triệu đồng. Nhờ mạnh dạn đầu tư mà vợ chồng anh Thanh đã có được cơ ngơi 2 nhà kính ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, anh dự định kết thúc vụ ớt sẽ trồng dưa lưới có thời gian thu hoạch ngắn, khoảng 70 ngày để luân canh cây trồng vừa tận dụng giá thể trồng ớt, vừa tăng thu nhập cho gia đình.
Theo anh Thanh chia sẻ: “Ứng dụng công nghệ vào sản xuất chi phí ban đầu cao nhưng giúp anh giảm chi phí lao động, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lại giúp anh kiểm soát tốt dịch bệnh trên cây trồng, tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm nên bán được giá cao hơn”.
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp vốn xưa nay mặc định là lĩnh vực với những công việc tay chân nặng nhọc vất vả thì giờ đây thay đổi phương thức sản xuất mới giúp cho người nông dân có môi trường làm việc hoàn toàn khác chuyên nghiệp, tiết kiệm, an toàn, nhẹ nhàng hơn. Thành công của mô hình trồng ớt chuông ứng dụng công nghệ cao của anh Thanh khẳng định lựa chọn hướng đi đúng trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, góp phần vào khắc phục được hiện tượng thời tiết cực đoan đối phó với biến đổi khí hậu luôn là thách thức và là mối đe doạ lớn nhất đối với ngành nông nghiệp hiện nay.
Theo: Khuyến Nông Lâm Đồng
Các bài viết liên quan