Theo đó, nghị định số 13/2020/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi được Chính phủ ban hành ngày 21/01/2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 05/3/2020. Nghị định số 13/2020/NĐ-CP đã hướng dẫn những nội dung được Luật Chăn nuôi giao về giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, điều kiện cơ sở chăn nuôi, quy mô, mật độ chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi và vật nuôi sống làm thực phẩm tại Việt Nam... Nhiều nội dung của Nghị định số 13/2020/NĐ-CP được triển khai thực hiện trong thực tiễn đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động trong chăn nuôi, đồng thời phát huy hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quy định tại Nghị định số 13/2020/NĐ-CP một số tổ chức, cá nhân có văn bản đề nghị nghiên cứu, xem xét quy định về (1) Giấy chứng nhận lưu hành tự do hoặc văn bản có giá trị tương đương (sau đây viết tắt là CFS) tại điểm c khoản 3 Điều 18 và (2) Cửa khẩu tiếp nhận vật nuôi sống nhập khẩu vào Việt Nam tại khoản 2 Điều 29.
1. Quy định về CFS (điểm c khoản 3 Điều 18): Một số tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nhập khẩu thức ăn chăn nuôi phản ánh khó khăn về việc cung cấp CFS trong hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng nhập khẩu thức ăn chăn nuôi truyền thống vì một số lý do sau:
a) Quy định về cấp CFS cho sản phẩm thức ăn chăn nuôi truyền thống còn có sự khác nhau giữa các quốc gia về cơ quan có thẩm quyền cấp (ở một số quốc gia, CFS được cấp bởi tổ chức, hiệp hội, không phải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền).
b) Chưa có cách hiểu thống nhất về văn bản có giá trị tương đương. Hiện nay, CFS có nhiều mẫu khác nhau, nhiều trường hợp cùng một mặt hàng, cùng một xuất xứ (cùng bang, cùng nước xuất khẩu như ở Hoa Kỳ) nhưng có mẫu CFS khác nhau do các cơ quan khác nhau cấp. Một số CFS có nội dung quy định sản phẩm thức ăn chăn nuôi chỉ được lưu hành tự do tại một bang, không phải trong phạm vi cả nước trong khi các bang khác của Hoa Kỳ lại cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do trong cả nước.
c) Một số nước xuất khẩu chưa cấp CFS cho một số mặt hàng thức ăn chăn nuôi truyền thống, ví dụ Canada hiện nay không cấp CFS đối với mặt hàng đậu tương, Indonesia không cấp CFS đối với mặt hàng khô dầu cọ....
2. Cửa khẩu tiếp nhận vật nuôi sống nhập khẩu vào Việt Nam (khoản 2 Điều 29): Một số doanh nghiệp, địa phương đề xuất bổ sung các cửa khẩu được phép tiếp nhận động vật sống như Hòn La, Cha Lo, Long An, Vũng Áng… để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã xây dựng địa điểm nuôi cách ly gần khu vực các cảng này, bảo đảm an toàn dịch bệnh, giảm chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và PTNT đã báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về những nội dung này. Ngày 11/6/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 91/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2020, trong đó ngưng hiệu lực thi hành của 02 nội dung trên và giao Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát tổng thể Nghị định số 13/2020/NĐ-CP, xác định vướng mắc, bất cập cụ thể trong quá trình thực hiện Nghị định số 13/2020/NĐ-CP. Trên cơ sở đó, đề xuất việc xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 13/2020/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục rút gọn.
3. Quá trình tổ chức triển khai thực hiện và rà soát tổng thể Nghị định số 13/2020/NĐ-CP theo yêu cầu của Nghị quyết số 91/NQ-CP ngày 11/6/2020 tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2020, Bộ Nông nghiệp và PTNT nhận thấy một số nội dung không còn phù hợp với thực tế, gây khó khăn, vướng mắc khi thực thi.
Bên cạnh đó, Phụ lục IV Luật Đầu tư năm 2020 đã bổ sung “Kinh doanh chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất, chất xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi” là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Luật này “Điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề quy định tại khoản 2 Điều này được quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”. Để phù hợp với quy định của pháp luật, phù hợp với thực tế hiện nay, đồng thời tạo điều kiện cho việc thực hiện thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí cho cho tổ chức, cá nhân, giảm thủ tục hành chính. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi là cần thiết.
Vì vậy, dự thảo Nghị định được xây dựng nhằm: a) Hoàn thiện đầy đủ, đồng bộ khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội, kinh tế, môi trường, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh nhằm phát triển ngành chăn nuôi hiện đại, bền vững, phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội; b) Thúc đẩy phát triển sản xuất ngành chăn nuôi, kiểm soát an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm trong chăn nuôi.
Quan điểm chỉ đạo sửa đổi Nghị định được thống nhất như sau:
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị định số 13/2020/NĐ-CP về Giấy chứng nhận lưu hành tự do trong hồ sơ đăng ký kiểm nhà nước về chất lượng đối với thức ăn chăn nuôi truyền thống, nguyên liệu đơn nhập khẩu, cửa khẩu tiếp nhận vật nuôi sống nhập khẩu vào Việt Nam và các quy định có liên quan bảo đảm bám sát nội dung được giao hướng dẫn tại Luật Chăn nuôi, thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách đổi mới của Đảng về chăn nuôi, phù hợp với chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045.
Thứ hai, bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và thực tiễn quản lý, đặc biệt là phù hợp với Hiến pháp năm 2013, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá năm 2007, Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Quản lý ngoại thương năm 2017...
Thứ ba, đáp ứng yêu cầu quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh ngành chăn nuôi, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tạo hành lang pháp lý cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh dễ thực hiện, cơ quan quản lý nhà nước hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm hành chính.
Thứ tư, đáp ứng được yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ với các quy định chi tiết, minh bạch, đơn giản để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tham gia các hoạt động trong chăn nuôi.
Thứ năm, kế thừa các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vật nuôi, thức ăn chăn nuôi đã được khẳng định tính phù hợp, ổn định trong quá trình triển khai, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển, hội nhập ngày càng sâu rộng của ngành chăn nuôi, phù hợp với các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Kính mời Quý độc giả xem toàn văn Dự thảo và Tờ trình Dự Thảo.
Nguồn:
Các bài viết liên quan