Nhiều lợi ích
Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) đang nuôi 4.000 con lợn theo hướng an toàn sinh học và vận hành cơ sở giết mổ công suất 150 con/ngày, bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. “Mỗi ngày, hợp tác xã cung ứng ra thị trường 2,2 tấn thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn mang thương hiệu “Chuỗi thực phẩm AZ”. Chuỗi khép kín từ con giống, thức ăn, chăn nuôi, giết mổ, chế biến, bảo quản, phân phối nên sản phẩm cung cấp ra thị trường có chất lượng cao, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng” - Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long Nguyễn Trọng Long chia sẻ.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, TP đã xây dựng và duy trì 141 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Điển hình như: Chuỗi thực phẩm A-Z, gà Mía Sơn Tây, trứng Tiên Viên, sữa Vinh Nga, bưởi Quế Dương, chuối Vân Nam, gạo thơm Bối Khê, chè Bắc Sơn... Các chuỗi với 1.379 sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ và phân phối tại các siêu thị, cửa hàng. Mỗi ngày, các chuỗi cung cấp cho thị trường Hà Nội hơn 60 tấn thịt lợn, 2 tấn thịt bò, 36 tấn gia cầm, 300.000 quả trứng, 40 tấn thịt chế biến, 80 tấn sữa tươi và gần 100 tấn rau an toàn…
Chuỗi sản xuất và cung cấp sữa Ba Vì đã giúp nhiều hộ chăn nuôi bò sữa nâng cao thu nhập (Ảnh: Ánh Ngọc)
Cùng với việc xây dựng các chuỗi liên kết trên địa bàn, Hà Nội đã chủ động liên kết với 21 tỉnh, TP xây dựng và phát triển 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, trong đó có 253 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận theo tiêu chí của Bộ NN&PTNT. Việc xây dựng và phát triển chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, không chỉ kiểm soát được chất lượng ở tất cả các khâu mà còn giúp các nhà sản xuất nâng cao ý thức sản xuất an toàn, có trách nhiệm đối với người tiêu dùng và qua đó gia tăng giá trị từ 15% - 20% so với sản phẩm chưa được sản xuất theo chuỗi.
Nâng giá trị, hướng tới xuất khẩu
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, Hà Nội đã tổ chức các đoàn cán bộ quản lý và cơ sở sản xuất, DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đi các tỉnh, TP để liên kết đầu tư sản xuất, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và đưa nông sản về Hà Nội. TP cũng đã xây dựng “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm TP Hà Nội” với địa chỉ tên miền www.check.hanoi.gov.vn. Hệ thống truy xuất nguồn gốc này đã góp phần giúp các cơ quan quản lý kiểm soát được hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an toàn thực phẩm khi tham gia hệ thống; đồng thời hỗ trợ xử lý truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý sản phẩm không bảo đảm an toàn.
Tuy vậy, việc phát triển các chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ở Hà Nội vẫn còn một số khó khăn. Nhiều sản phẩm nông nghiệp chưa có nhãn mác, thương hiệu, không tiêu thụ được ở các kênh phân phối lớn. Một số chuỗi liên kết trên địa bàn chưa hoàn chỉnh, quy mô nhỏ theo hình thức “thuận mua, vừa bán” nên dễ xảy ra tình trạng đứt gãy, phá vỡ hợp đồng đã ký.
Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản (Ảnh: Ánh Ngọc)
Trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng, phát triển 50 chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp đối với các sản phẩm chủ lực của TP; 100% chủ thể tham gia liên kết chuỗi được đào tạo, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ; 100% chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR.
Đáng chú ý, TP sẽ tiếp tục rà soát quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyên canh, tập trung; đồng thời đẩy mạnh việc đăng ký và quản lý mã số vùng sản xuất để bảo đảm tiêu chí xuất khẩu. Hà Nội cũng sẽ ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất, sơ chế, đóng gói, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm tăng giá trị cho sản phẩm.
Theo: Kinhtedothi
Các bài viết liên quan