Đại diện Tập đoàn C.P Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Kiều Minh Lực cho biết, hiện C.P đang bán số lượng lợn ra thị trường hang ngày cao hơn các ngày bình thường tới 30%. Để có đủ nguồn lợn cung ứng cho các lò mổ, thương lái C.P phải hạ tiêu chuẩn trọng lượng lợn hơi từ trên 120kg/con xuống còn 90kg/con. Tuy nhiên, ông Lực khẳng định đơn vị cũng không thể duy trì được cường độ này trong thòi gian dài bởi lợn không lớn kịp để bán.
Phụ trách ngành heo của Công ty TNHH Japfa Việt Nam khẳng định, với giá heo trên 50.000 đồng/kg như hiện tại doanh nghiệp chăn nuôi rất vui mừng nhưng không hẳn là mong muốn, mức giá các doanh nghiệp chăn nuôi heo mong muốn duy trì ổn định nhất chính là trục giá 40.000 - 45.000 đồng/kg.
Kiến nghị giải pháp giúp bình ổn giá heo, đại diện đề nghị Bộ NN-PTNT, trực tiếp là Cục Chăn nuôi thường xuyên cập nhật, chia sẻ thông tin với các doanh nghiệp lớn. Đặc biệt, về giải pháp kỹ thuật có thể nâng trọng lượng heo xuất chuồng từ 90kg như hiện nay lên 10 - 15% nữa để tăng nguồn cung thịt lợn ra thị trường giúp hạ nhiệt dần giá heo xuống dưới 50.000 đồng/kg.
Còn theo hiến kế của ông Võ Việt Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Chế biến Thực phẩm Nam Hà Nội, nếu có thể Bộ NN-PTNT và Cục Chăn nuôi hàng tuần hàng tháng có thể đề nghị các doanh nghiệp tự nguyên công bố giá bán để từ đó đưa ra mức giá trung bình hợp lý nhất. Bên cạnh đó, theo ông Dũng ngành chăn nuôi lợn hiện nay thiếu mất hiệp hội ngành hàng để có thể cùng ngồi lại với nhau, tạo thành một chuỗi và một thị phần đủ lớn để có thể điều tiết được thị trường.
Đồng tình với việc nên có một hiệp hội về chăn nuôi lợn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dabaco Việt Nam Phạm Văn Học nhấn mạnh, phải có các hiệp hội với các doanh nghiệp chiếm thị phần, tỷ trọng đủ lớn mới có thể cùng các cơ quan quản lý đứng ra điều tiết khi thị trường đi theo chiều hướng bất hợp lý hay chiều hướng xấu, không có lợi cho lâu dài ngành chăn nuôi như giá lợn hơi hiện nay. Chứ bản than một mình Dabaco hay C.P giảm giá bán cũng không thể giải quyết được vấn đề.
Theo tìm hiểu của ông Học, hiện nay rất may là giá lợn hơi Việt Nam cơ bản ngang bằng với giá lợn tại Trung Quốc và cao hơn giá lợn hơi tại Thái Lan khoảng 3.000 - 5.000 đồng/kg nên hạn chế việc tạo ra mức lợi nhuận hấp dẫn để buôn lậu lợn qua biên giới phía Bắc.
Cũng theo ông Học, không còn giải pháp nào bền vững hơn là các doanh nghiệp chăn nuôi tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất, hạ giá thành sản phẩm để giá bán đến tay người tiêu dùng hợp lý hơn. Hiện tại, Tập đoàn Dabaco đang bán thịt lợn do doanh nghiệp tự chăn nuôi, giết mổ tại hệ thống siêu thị của Dabaco giá thấp hơn thị trường 5 - 6%.
Còn ông Lê Thanh Phương, Giám đốc chăn nuôi Công ty TNHH Emivest Feedmill Việt Nam cho rằng, về ngắn hạn nên để giá lợn hơi vận động theo quy luật cung cầu của thị trường, còn lâu dài nên thành lập các hiệp hội để phối hợp cùng quản lý nhà nước trong điều tiết, nắm bắt cung cầu. Cũng theo ông Phương là chính người tiêu dùng mới là người quyết định giá bán và hiện tại có rất nhiều lựa chọn thực phẩm thay thế thịt lợn nên cũng không quá lo lắng trong ngắn hạn trước mắt.
Phát biểu chia sẻ tại buổi làm việc với các doanh nghiệp và địa phương, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, giảm giá bán hay tăng giá mua không hẳn là thất bại, bài học với lĩnh vực tôm giống và tôm thương phẩm đã chứng minh điều đó. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường mong các doanh nghiệp chăn nuôi lợn phải hết sức chia sẻ, lấy đúng lãi để lấy đường trường. Đường trường ở đây là một thị trường ổn định được duy trì lâu dài thay vì nay đắt mai lại rẻ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hiện nay Việt Nam xuất khẩu nông sản sang hơn 100 quốc gia vùng lãnh thổ, mỗi năm thu về xấp xỉ 40 tỷ USD nên việc bảo vệ được thị trường trong nước, đặc biệt là ngành chăn nuôi lợn các cơ quan quản lý phải chịu áp lực vô cùng to lớn từ phía các nước đối tác.
Sau khủng hoảng, chăn nuôi lợn hiện nay đang có được điều kiện giá cả, quy mô tốt như mơ, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm từ 4,5 triệu xuống còn 3 triệu và mục tiêu của Bộ NN-PTNT là tới đây giảm dần xuống 2 triệu, 1 triệu rồi một ngày nào đó không còn chăn nuôi nhỏ lẻ nữa để chỉ còn lại các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi hiện đại, công nghệ cao đủ sức cạnh tranh cũng như hạn chế tối đa áp lực ô nhiễm tới môi trường.
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động ở mọi công đoạn từ thức ăn, chăn nuôi gia công, giết mổ, chế biến, tiêu thụ bán lẻ trong khả năng của mình tiếp tục cải tiến thay đổi nâng cao giá trị quản trị, giá trị sản xuất, hạ giá thành bảo vệ cho bằng được ngành chăn nuôi lợn đang phát triển rất tốt như hiện nay.
Theo nongnghiep.vn
Các bài viết liên quan