Phát triển chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, cách làm mới cho người dân tỉnh Kon Tum.

27 Th05, 2021 - Xem: 2206

Sau hơn 4 năm triển khai Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Kon Tum đang phát triển tích cực, có xu hướng tăng cả về số lượng và quy mô.

Ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi công nghệ cao

Chăn nuôi bò là một trong những thế mạnh của tỉnh Kon Tum. Tuy nhiên, trước đây chăn nuôi bò phần lớn là giống bò cỏ, tầm vóc nhỏ, năng suất thấp, giá bán không cao nên hiệu quả kinh tế mang lại cho hộ chăn nuôi chưa tương xứng.

Chính vì vậy, tỉnh Kon Tum đã thực hiện phương án nâng cao chất lượng đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo giai đoạn 2016-2020. Đến nay, phương án này đã mang lại hiệu quả rất tốt, được người dân thừa nhận.

Ông Lâm Huy Cường (tổ 4, phường Trần Hưng Đạo, TP Kon Tum) bắt đầu nuôi bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo từ năm 2016. Hiện đàn bò của ông hàng năm sinh sản được 5 con bê lai. Trung bình, 7 tháng bê lai sẽ xuất chuồng giúp ông Cường thu về khoảng 80 triệu đồng.

Theo đánh giá của ông Cường, phương pháp thụ tinh nhân tạo cho giống bê lai tốt hơn, bộ xương to hơn bò thường. Bê lai nuôi đến tháng thứ 5 có thể bán với giá trên 10 đồng, trong khi bê thường chỉ bán được giá khoảng 7 triệu đồng.

Hiện toàn tỉnh Kon Tum có 2.300 con bê lai được sinh sản theo phương pháp thụ tinh nhân tạo. Điều này đã tạo ra cú hích cho người chăn nuôi bò khi nhìn thấy lợi ích của phương pháp phối giống nhân tạo. Theo đó, con bê lai sinh trưởng tốt hơn, trong khi giá trị mang lại cũng cao gần gấp đôi so với giống bò thông thường.

Trong khi đó, với dịch tả lợn Châu Phi hoành hành, phương thức chăn nuôi lợn quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, phân tán đang dần có sự dịch chuyển từ chăn nuôi nhỏ sang chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp, sản xuất hàng hóa lớn.

 

 

Các mô hình trang trại áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như chuồng nuôi khép kín, có hệ thống làm mát về mùa hè, sưởi ấm về mùa đông, hệ thống quạt thông gió, xử lý chất thải… đang được nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh có 14 trang trại có quy mô trên 1.000 con/trang trại, trong đó huyện Ngọc Hồi có 8 trang trại, thành phố Kon Tum có 4 trang trại, huyện Đăk Hà có 1 trang trại và huyện Kon Rẫy có 1 trang trại.

Trước những thiệt hại của dịch tả lợn Châu Phi, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh cũng đang dần chuyển hướng sang chăn nuôi gia cầm. Hiện tổng đàn gia cầm của toàn tỉnh khoảng gần 900.000 con, tăng hơn 200.000 con so với năm 2019.

Các trang trại gia cầm được nuôi theo hướng áp dụng các tiến bộ khoa học- công nghệ như chuồng nuôi khép kín, có hệ thống điều hòa không khí, hệ thống xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn.

Trang trại gà của HTX đồng hành nhà nông Hoàng Bách (thôn 2, xã Hòa Bình, TP Kon Tum) được xem là mô hình kiểu mẫu trong chăn nuôi nhờ ứng dụng công nghệ cao với phương pháp nuôi gà bằng dược liệu.

Ông Huỳnh Thanh Tú, Giám đốc HTX cho biết, trong quy trình chăn nuôi của Bộ NN-PTNT cho phép sử dụng nguyên liệu truyền thống như rau củ qủa và dược liệu. Nắm bắt được quy trình đó, HTX bắt đầu nghiên cứu chuyên sâu về thức ăn cho gà bằng dược liệu. Hiện HTX đang sử dụng hơn 30 loại dược liệu, trong đó có hơn 15 loại dược liệu có chất kháng sinh tự nhiên.

“Sử dụng các loại dược liệu có tính chất kháng sinh cho gà ăn uống hàng ngày sẽ không bị bệnh và gà không còn hiện tượng bị chết hàng loạt. Đương nhiên nuôi theo cách này thịt gà thơm ngon, giá bán cao hơn cách nuôi thông thường”, ông Tú chia sẻ.

Cùng với việc sử dụng thức ăn dược liệu, HTX Hoàng Bách còn sử dụng công nghệ sinh học với thức ăn chủ yếu bằng rau xanh được xay nghiền, trộn với bột ngô, cám… sau đó ủ chín thức ăn bằng men sinh học giúp con gà tiêu hóa triệt để thức ăn. Với công nghệ này, lượng phân thải ra ít hơn, giúp bảo vệ môi trường.

Hiện trang trại gà Hoàng Bách luôn duy trì ở mức 4.000 con, mỗi tháng xuất bán 1.000 con gà thảo dược với giá giao động từ 150.000-160.000 đồng/kg, là mức giá khá cao so với mặt bằng giá chung.

Gà dược liệu của HTX Hoàng Bách cung cấp cho các nhà hàng, siêu thị ở các tỉnh, thành phố như Gia Lai, Kon Tum, Đà Nẵng, TP.HCM…Về lâu dài, HTX đang có chiến lược xây dựng mô hình chế biến chuyên sâu sản phẩm từ gà nhằm nâng cao chuỗi giá trị gia tăng.

Cùng với đàn vật nuôi truyền thống, hiện nay trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã xây dựng 1 trang trại chăn nuôi dê công nghệ cao. Đó là trang trại dê sữa Măng Đen của Công ty cổ phần Dược liệu và Thực phẩm Măng Đen tại huyện Kon Plông với quy mô gần 8.000 con, chiếm khoảng 50% tổng đàn dê của tỉnh.

Trang trại được nuôi theo mô hình khép kín, có hệ thống làm mát, thông gió, xử lý chất thải, hệ thống dây chuyền thức ăn, nước uống. Trang trại cũng mới đầu tư thêm các thiết bị vắt sữa hiện đại, khép kín theo công nghệ của Đức.

Liên kết theo chuỗi giá trị

Trong phát triển chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao, việc xây dựng các chuỗi liên kết là một trong những yêu cầu quan trọng. Bước đầu trên địa bàn tỉnh đã hình thành được một số chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

Điển hình như trang trại dê sữa Măng Đen đã triển khai liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu cung cấp thức ăn cho đàn dê.

Cụ thể, ngoài việc chăm lo phát triển đàn dê ở trang trại, những người nuôi dê Măng Đen đang mong muốn mở rộng mô hình nuôi dê bằng cách liên kết với người dân, theo hướng cùng chia sẻ lợi nhuận.

Để chủ động nguồn thức ăn cho dê, trang trại dê Măng Đen ngoài đầu tư trồng hơn 100 ha cỏ còn tổ chức thu mua thức ăn ở trong và ngoài tỉnh. Theo đó, trang trại phối hợp liên kết, đầu tư cho người dân sống quanh vùng dự án trồng cỏ, bắp hay các loại cây trồng để làm thức ăn cho dê.

Hiện người dân đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa trong huyện Kon Plông như Măng Bút, Đăk Tăng hay các xã Tân Lập, Đăk Tơ Lung (huyện Kon Rẫy) và các hộ dân ở tỉnh Gia Lai đã bắt đầu trồng bắp lấy thân, lá làm thức ăn cho dê.

Việc liên doanh, liên kết đang được đẩy nhanh nhằm tìm kiếm, mở rộng vùng nguyên liệu cho dự án, khi tham vọng của người nuôi dê tại Trang trại dê sữa Măng Đen muốn phát triển đàn lên 100 nghìn con trong tương lai.

Trong khi đó, HTX Hoàng Bách cũng đang liên kết với 3 trang trại tại huyện Ia H’Drai để nuôi hơn 10.000 con gà bằng thức ăn dược liệu. Theo đó HTX sẽ cung cấp quy trình chăn nuôi, cam kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

Ngoài ra, tình Kon Tum còn khoảng gần 30 hộ dân liên kết với Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn quốc tế Năm Sao theo hình thức chuỗi khép kín. Trong đó 18 chuỗi liên kết chăn nuôi heo; 6 chuỗi liên kết chăn nuôi gia cầm; 2 chuỗi liên kết thức ăn; 1 chuỗi liên kết thủy sản.

Hình thức liên kết là, các doanh nghiệp đầu tư về con giống, thức ăn, thuốc thú y, hỗ trợ kỹ thuật và đảm bảo thị trường tiêu thụ, còn người dân đầu tư chuồng trại, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật đã hướng dẫn. Đây được coi là chuỗi liên kết bền vững thúc đẩy phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Ông Phạm Ngọc Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum cho biết, trước tình hình dịch bệnh hoành hành, nhiều hộ đã từng bước chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang hướng chăn nuôi tập trung, quy mô công nghiệp.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết giá trị trong chăn nuôi là hướng đi đầy triển vọng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.

Hiện tại trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 59 trang trại, hộ chăn nuôi, tăng thêm 10 trang trại so với năm 2019 (chủ yếu tăng số lượng trang trại chăn nuôi gia cầm). Trong đó, 1 trại nuôi bò, 21 trang trại nuôi lợn, 32 trang trại gia cầm, 1 trang trại dê và 4 trang trại tổng hợp.

Theo: Báo nông nghiệp


ĐỐI TÁC